Kinh nghiệm đi lễ hội khinh khí cầu – Myanmar

Thả Lửa Lên Trời – Lễ Hội Khinh Khí Cầu (Taunggyi, Myanmar)

Myanmar thì chắc mọi người đã đi nhiều rồi, nhưng tụi mình tìm hiểu thì khá ít bạn biết và tham gia về lễ hội này nên Wanderful Dreamers tụi mình lên kế hoạch đi và muốn viết một bài khá chi tiết về lễ hội Taunggyi này.

CÓ GÌ TRONG BÀI VIẾT NÀY

1. Nguồn gốc và ý nghĩa lễ hội
2. Những điều cần biết khi tham gia lễ hội
a. Thời gian, địa điểm.
b. Cảnh báo an toàn

1. NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA

Trong quan niệm về vũ trụ của Phật giáo và Hindu, có đến 6 cõi trời Dục giới, và trong đó *Trāyastriṃśa* (Sanskrit) hay *Tāvatiṃsa* (Pali) nơi có Đế Thích Thiên (Sakra, hay Indra) đứng đầu, là vua của các chư thiên. Theo wikipedia, ngôi đền Kami trong bộ truyện tranh “Bảy Viên Ngọc Rồng” được dựng lên theo đúng ý niệm về cõi trời này. Tương truyền, ngôi chùa Chulamani (hay Sulamani) có thờ xá lợi tóc của Đức Phật cũng nằm trên cõi trời *Tāvatiṃsa*. Tục thả đèn trời là để dâng lời cầu nguyện đến ngôi chùa này.

Ở Thái Lan, hay Lào, cũng có một lễ hội cùng ngày với Myanmar, đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa, và ngày trăng tròn trong tháng Tazaungmon.

Nhưng vì sao ở Myanmar lại không thả đèn trời mà là khinh khí cầu?

Miến Điện (Myanmar, hay Burma) đã từng là thuộc địa của Anh. Năm 1894, sau 9 năm chiếm đóng Miến Điện, người Anh đã lần đầu tiên tổ chức cuộc thi thả khinh khí cầu. Người ta gộp hai sự kiện này với nhau thành lễ hội thả khinh khí cầu. Những quả khí cầu được thả lên trời là những quả không chở người mà làm bằng vải hoặc bằng giấy và có hai loại chính:

– Đi kèm với nến, gọi là Sein Na Pan. Người ta bỏ nến vào một ly nylong nhỏ rồi treo vào khí cầu tạo thành hình dạng Đức Phật, hoặc những lời kinh, lời cầu nguyện.
– Đi kèm với pháo hoa, gọi là Nya Mee Gyi. Khi khí cầu bay lên, đến một độ cao nhất định, hàng loạt pháo hoa sẽ phóng ra sáng rực cả một khoảng trời.

Image may contain: night

 

2. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI THAM GIA LỄ HỘI

a. Thời gian và Địa Điểm

Hằng năm lễ hội sẽ diễn ra 5 ngày liên tiếp vào những ngày trăng tròn của tháng Tazaungmon theo lịch Myanmar, do đó lịch sẽ thay đổi vào hằng năm. Năm 2018, Wanderful Dreamers tụi mình đi là vào 16-22/11/2018. Do đó, trước khi đi, các bạn phải tìm hiểu thật kỹ.

Lễ hội thả khinh khí cầu được tổ chức ở cả Taunggyi và Pyin Oo Lwin. Nhưng ở Taunggyi là hoành tráng nhất. Taunggyi là thủ phủ của bang Shan và chỉ cách Nyaung Shwe tầm 20km thôi. Do đó, các bạn có thể linh động tìm khách sạn ở Nyaung Shwe để kết hợp tham quan Inle như Wanderful Dreamers tụi mình vì từ Nyaung Shwe khá dễ dàng tìm kiếm xe hoặc ghép xe với các khách khác ở khách sạn để đến lễ hội. Hoặc có thể ở ngay tại trung tâm lễ hội, nhưng cần phải đặt phòng trước từ rất lâu vì du khách nội địa và quốc tế đến đây cũng khá đông và do nhu cầu tăng cao nên gia khách sạn cũng đội lên khá cao.

 

b. Cảnh báo về an toàn

Lễ hội cực kỳ nguy hiểm, được xếp vào một trong những lễ hội pháo hoa đẹp và nguy hiểm nhất thế giới! Đây là lễ hội mà tụi mình khuyên các bạn thật sự nên cân nhắc trước khi quyết định tham gia. Chính bản thân tụi mình cũng cảm thấy vô cùng hồi hộp mỗi khi khinh khí cầu bay lên. Nhất là các quả Nya Mee Gyi mỗi khi nó bắn pháo hoa tung tóe khắp cả vùng trời ở cự ly khá gần mặt đất. Có đợt, tụi mình phải chạy tán loạn tìm chỗ nắp vì cảm thấy rõ ràng từng đợt pháo như nhắm vào mình. Và theo ghi nhận của các báo đài địa phương cũng như quốc tế, năm nào cũng có người chết và bị thương cả. Như năm Wandeful Dreamers tụi mình tham dự thì ngày thứ 2 của lễ hội (tụi mình đến vào ngày thứ 5) đã có một vài người chết do khí cầu nổ. Đêm tụi mình ơ đó, cũng có một vài quả phát nổ và cháy bùng khi chưa rời khỏi mặt đất – thật sự may mắn chứ lỡ bay lên nửa đường mà nổi rồi rớt xuống cũng không biết tính làm sao. Vậy mà không hiểu sao người ta còn bồng bế cả con nít tham dự.

Nhưng thôi, nói làm mọi người nản chí, với những ai đã quyết định “liều” như tụi mình thì dưới đây là một vài tips quan trọng cho các bạn.

– Nếu có điều kiện, hãy thuê một người hướng dẫn viên bản địa. Vì họ sẽ hiểu rất rõ về địa bàn nơi đó và đưa ra lời khuyên cũng như phản ứng kịp thời để giúp các bạn trong những trường hợp khẩn cấp. Wanderful Dreamers tụi mình lần đó là tự đi chứ không có ai chỉ dẫn cả.

– Trường hợp không có hướng dẫn như Wanderful Dreamers tụi mình, vui lòng đến sớm một tí, đừng từ xa quan sát khu vực thả đèn. Thực hiện đánh giá rủi ro một chút, để xem khu vực nào đứng sẽ an toàn, dễ thoát thân, hoặc ẩn nắp như thế nào khi pháo hoa rơi xuống.

– Đứng ngoài vùng cảnh báo an toàn. Mỗi khi khí cầu được chuẩn bị, sẽ có một nhóm nhân viên rào lại và cảnh báo mọi người. Đừng cố chen vào sâu, vì vừa mất lịch sự lại vừa đưa tính mạng mình vào vùng nguy hiểm. Thứ nhất, đây là cuộc thi, nên những đội thi đã chuẩn bị nhiều tháng trời cho màn biểu diễn của họ, nên đừng quấy rối họ, thứ hai họ là những người chuyên nghiệp, hiểu và biết cách phòng vệ bản thân trong trường hợp xấu nhất. Và biết đâu họ cũng đã được trang bị bảo hộ đầy đủ rồi.

– Thời tiết đóng một vai trò quan trọng trong an toàn của lễ hội, nhất là gió. Chìa khóa để bảo vệ bản thân khi tham gia lễ hội này là “Không bao giờ đứng bên dưới đường bay của khí cầu”. Đứng chiều ngược lại! Do đó, phải quan sát hết sức cẩn thận khi khí cầu bay lên là ngay lập tức di chuyển đến vùng an toàn.

Nói vậy chứ cũng vô chừng lắm, như tụi mình có lúc mãi mê quay phim, chụp hình không dự trù được, khí cầu bay phà tới thả pháo hoa liên tục, hai đứa cứ thế mà chạy tán loạn, có khi còn núp dưới dù của mấy cô chú bán hàng rong. Haha.

Chúc những người “can đảm” tham dự lễ hội thật an toàn!

Để tránh mất kết nối và ảnh hưởng đến việc live stream hãy nhớ thuê wifi du lịch Myanmar của WIFI4G2GO ở đây:
https://wifi4g2go.com/vi/wifi-du-lich/

[Nguồn Wanderful Dreamers]